Sáng 9/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc Hội nghe trình bày Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Sau đó Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới được xây dựng và cơ bản hoàn thiện, đồng bộ. Hoạt động giáo dục, tuyên truyền đạt được kết quả đáng kể. Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực dần được thu hẹp. Thu nhập của lao động nữ được cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng. Tỷ lệ nữ theo học cao đẳng và đại học cao hơn so với nam. Số lượng phụ nữ tham gia hoạt động chính trị và ở các vị trí lãnh đạo tăng lên. Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Vai trò, vị thế của phụ nữ cũng có sự thay đổi tích cực hơn trong gia đình và các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cho thấy: Đa số lao động nữ làm việc trong những ngành, nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, thiếu bền vững hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức mà điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp, thiếu việc làm nhiều hơn nam. Vẫn còn khoảng cách giới về giáo dục và y tế giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm dân tộc. Tình trạng bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ, trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em là các vấn đề cần tiếp tục được quan tâm.
Phân tích về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhiều đại biểu băn khoăn về việc thực phi pháp luật về BĐG trong doanh nghiệp. Vi phạm trong lĩnh vực này khá phổ biến nhưng báo cáo chưa thể hiện kết quả xử lý. Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đoàn Bình Dương đề Nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết tình trạng một số doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động sau tuổi 35, khi tỷ lệ lao động nữ trên 35 tuổi mất việc có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, có đông nữ làm việc.
Một số ý kiến cho rằng, cách tính lương hưu và hưởng lương hưu từ 1/1/2018 theo Luật BHXH năm 2014 sẽ có sự khác biệt giữa lao động nữ và lao động nam, gây thiệt thòi cho lao đông nữ. Bộ LĐTB&XH cần báo cáo Chính phủ, trình QH xem xét quy định này để không gây ra bức xúc, tránh phản ứng chính sách như đối với Điều 60 luật BHXH trong thời gian qua.
Theo thống kê, số lượng lao động hưởng chính sách BHXH 1 lần và bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập như: tình trạng phụ nữ xuất cảnh trái phép, làm thuê bất hợp pháp, bị lừa đảo hoặc là nạn nhân của các vụ buôn bán người, bị ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống; đề nghị cần có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện việc bình đẳng giới.
Trong phiên họp chiều nay, QH đã nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).