Bình Dương là điểm sáng của cả nước về chương trình giảm nghèo và việc làm. Bình quân trong khoảng thời gian 3 năm, tỉnh điều chỉnh một lần tiêu chí hộ nghèo, với mức cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương. Hiện nay tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí chung

Bình Dương là điểm sáng của cả nước về chương trình giảm nghèo và việc làm. Bình quân trong khoảng thời gian 3 năm, tỉnh điều chỉnh một lần tiêu chí hộ nghèo, với mức cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương. Hiện nay tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí chung của cả nước. Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo từng giai đoạn, nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo được tỉnh triển khai thực hiện, trọng tâm là chính sách tín dụng cho hộ nghèo.

Đến thời điểm đầu năm 2017, tổng nguồn vốn đáp ứng cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội Bình Dương là trên 1.435 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chiếm hơn 72%, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 28%. Thực hiện các chương trình tín dụng cho vay, trong năm 2016, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã giải ngân hơn 611 tỷ đồng cho gần 27.000 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đến nay đạt hơn 1.400 tỷ đồng với hơn 69.000 lượt hộ vay. Dư nợ tăng trưởng chủ yếu ở các chương trình cho vay giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, ngân hành chính sách còn phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hỗ trợ cho hội viên có điều kiện tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hội viên các đoàn thể có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.  

Theo kết quả điều tra hộ nghèo đầu giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo mới của tỉnh Bình Dương, với mức hộ nghèo 1,4 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị và 1,2 triệu đồng/người/tháng khu vực nông thôn; toàn tỉnh có hơn 3.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% và hơn 2.800 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,97%. Tiêu chí hộ nghèo mới của tỉnh cao hơn tiêu chí hộ nghèo của Trung ương 1,5 lần. Đây là kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo của Bình Dương, có sự đóng góp tích cực chương trình chính sách tính dụng.

Bám sát chương trình giảm nghèo của tỉnh và phát huy kết quả đạt được từ chương trình chính sách tín dụng cho hộ nghèo, ngân hàng chính sách xã hội Bình Dương tiếp tục tăng cường các dự án cho vay ưu đãi để thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách và học sinh sinh viên vay vốn. Đồng thời, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện nguồn vốn ủy thác qua các kênh của các hội, đoàn thể, đẩy mạnh cho vay gắn với chương trình giảm nghèo theo hình thức tiếp cận đa chiều.

Với việc tăng cường chính sách tín dụng, cùng với hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; Bình Dương sẽ thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo theo hình thức tiếp cận đa chiều, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo trên địa bàn.