Thống kê của sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương, năm 2017, toàn tỉnh có 21 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó có 18 trẻ bị giao cấu, 2 trẻ bị hiếp dâm và 1 trẻ bị dâm ô. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Bình Dươngcó 13 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó có 12 trẻ bị dâm ô và 1 trẻ bị hiếp dâm. Đó là những trường hợp được gia đình phát hiện và trình báo với cơ quan chức năng, còn trong thực tế, đây là vấn đề tế nhị nên không biết còn có bao nhiêu trẻ em bị xâm hạivà đang phải chịu những tổn hại về sức khoẻ, tinh thần một cách dài lâu.
13 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục ở Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2018 đều xảy ra tại địa bàn xã Tam Lập huyện Phú Giáo. Đây là xã có diện tích rộng nhất huyện với 12 ngàn hecta, nhưng ngược lại, có số lượng dân cư ít nhất huyện chỉ 4 ngàn dân, trong đó có 1000 dân thuộc diện tạm trú. Địa bàn rộng, người dân sống rải rác, công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như nắm bắt tình hình tư tưởng của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong 13 trường hợp trẻ bị xâm hại ở địa phương thì đau lòng nhất là trường hợp trẻ 5 tuổi bị 1 trẻ 15 tuổi hiếp dâm. Cả hai trẻ đều là dân nhập cư, theo ba mẹ đến Bình Dương làm thuê.
Xâm hại trẻ em là vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội và của chính trẻ em. Đối thoại trực tiếp tại diễn đàn trẻ em từ cấp tỉnh đến cơ sở diễn ra trong tháng 6 và đầu tháng 7, nhiều câu hỏi liên quan đến xâm hại đã được các em đặt ra cho lãnh đạo các ban ngành đoàn thể.
Không chỉ là xâm hại tình dục, trẻ em hiện nay còn đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại về thể chất, tinh thần.Theo thống kê của Cục trẻ em – Bộ lao động thương binh và xã hội, cứ trung bình 8 giờ trôi qua là có 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi trung bình trẻ bị xâm hại là 9 tuổi và xảy ra ở cả trẻ em trai và trẻ em gái. 93% thủ phạm xâm hại trẻ là người quen và 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình. Dù chính quyền, các cấp ngành, nhà trường đã có nhiều giải pháp phòng chống xâm hại cho trẻ, nhất là đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy, nhưng có thể thấy, đây vẫn là một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Pháp luật Việt Nam có quy định rõ việc xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, không ít bậc phụ huynh vẫn mang tâm lý e ngại, cộng thêm chưa nắm được các bước xử lý, lưu giữ chứng cứ ngay khi phát hiện trẻ bị xâm hại. Điều này dẫn đến việc trừng trị thủ phạm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời gian kéo dài.