Tiếp tục thông tin về tình hình triển khai Thông tư số 52/2017 của Bộ y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Như chúng tôi đã thông tin vào hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư quy định bắt buộc cung cấp số chứng minh nhân hoặc thẻ căn cước của bố/ mẹ hoặc người giám hộ khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi là chưa phù hợp, gây phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, về phía Sở y tế Bình Dương, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư khẳng định,đến thời điểm này tức sau nửa tháng Thông tư có hiệu lực thi hành, các cơ sở y tế trong tỉnh vẫn chưa có phản hồi gì về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư 52/2017 của Bộ y tế.
Đây là văn bản trả lời của Sở y tế Bình Dương về tình hình triển khai thực hiện Thông tư 52/2017 của Bộ y tế trên địa bàn tỉnh. Văn bản ghi rõ Sở y tế tỉnh đã triển khai Thông tư đến các đơn vị y tế từ tháng 1.2018. Cho đến hiện nay, tức ngày 15.3.2018, sở y tế chưa nhận được phản hồi nào từ các đơn vị. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần các cơ sở khám chữa bệnh ở Bình Dương chỉ mới dừng lại ở việc tập huấn chứ chưa thực sự áp dụng các quy định của Thông tư vào công tác điều trị bệnh ngoại trú. Thế nên, việc các cơ sở y tế chưa phản hồi gì về những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện Thông tư là điều dễ hiểu. Thậm chí, không hề có một thông báo nào được dán ở các cơ sở y tế cho người dân biết về các quy định mới của Thông tư 52 để người dân thực hiện. Không triển khai sẽ không có khó khăn, vướng mắc. Vậy làm thế nào để phản ánh kịp thời đến Bộ y tế nhằm giúp Bộ sớm đưa ra những điều chỉnh Thông tư cho phù hợp với thực tiễn đời sống nhân dân?! Trong khi đó, nếu như các Nhà thuốc sớm áp dụng triệt để các nội dung quy định của Thông tư 52/2017 về việc bán thuốc kê theo đơn thì chắc chắn thiệt thòi sẽ về phía người bệnh.
Thông tư 52/2017 thay thế Thông tư 05/2016 vốn đang được các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc. Chỉ một vài điểm mới của Thông tư 52 chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân. Cụ thể: Điều 6 Thông tư 52 có quy định đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi trong điều trị ngoại trú phải ghi cụ thể tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ. Điều 8 Thông tư quy định trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc người bệnh AIDS giai đoạn cuối nằm tại nhà không thể đến khám tại cơ sở khám, chữa bệnh phải có giấy xác nhận của trạm trưởng trạm y tế xã phường thị trấn nơi người bệnh cư trú kèm theo bản tóm tắt hồ sơ bệnh án. Theo một số ý kiến, hai quy định mới này có thể tạo thêm một số thủ tục khiến người bệnh cảm thấy phiền hà.
Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư và xoá đói giảm nghèo của cả nước. Mong rằng, ngành y tế Bình Dương cũng sẽ không ngại vượt qua những khó khăn, thử thách để đi đầu trong việc nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân vì một nền y tế phát triển hiện đại, văn minh, phục vụ cộng đồng.