Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp –Thành phố Thủ Dầu Một đã đuợc tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Sau 10 năm đuợc công nhận làng nghề và 4 năm được công nhận di tích phi vật thể cấp Quốc Gia, sản xuất nơi đây vẫn có những thuận

Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp –Thành phố Thủ Dầu Một đã đuợc tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Sau 10 năm đuợc công nhận làng nghề và 4 năm được công nhận di tích phi vật thể cấp Quốc Gia, sản xuất nơi đây vẫn có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó, nỗi trăn trở của các cơ sơ sở sản xuất, của những nghệ nhân là làm sao để làng nghề phát triển tương xứng.

Đến thăm làng Sơn mài Tương Bình Hiệp - Thành phố Thủ Dầu Một vào những ngày cuối năm, vẫn tiếng mài gỗ, đánh bóng sản phẩm quen thuộc tự thuở nào. Vẫn những người thợ cặm cụi hoàn thành nốt những chi tiết trên bức tranh xuân: Chợ quê, phố thị, mai đào, sen súng, vui tết, đón xuân…Trên những hộp quà, trên những bức tranh để kịp giao hàng đón mùa Xuân mới.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện có gần 100 hộ sản xuất và 8 doanh nghiệp, với tổng số lao động hơn 1.000 người. Trong ngành sơn mài, có đến 25 công đoạn sản xuất, bên cạnh việc sử dụng đến 90% nguyên liệu tại chỗ, sự chuyên nghiệp và trình độ tay nghề của những nguời thợ cũng là một lợi thế rất lớn cho sản phẩm mà rất ít ngành tạo được khi xuất khẩu hàng hóa.

Trong 5 năm trở lại đây, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp khá ổn định trong sản xuất và kinh doanh trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó thị trường nội địa vào dịp cuối năm có chiều hướng khả quan. Trong năm 2019, giá trị sản xuất của làng sơn mài Tương Bình Hiệp đạt khoảng 200 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2018.

Tín hiệu của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như hiện nay là đáng mừng, nhưng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện cũng đối mặt với những khó khăn; nhất là sự cạnh tranh của những ngành hàng có tính trang trí, tính biểu đạt và được thực hiện trên các chất liệu khác. Bên cạnh đó, cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài, phần lớn họ chọn vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Thành phố Thủ Dầu Một và các ngành hữu quan của Tỉnh đã xây dựng xong đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, kết hợp với du lịch, với tổng kinh phí lên hơn 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm gần 67%. Hy vọng đề án này sẽ đi vào thực  tế.

Làm sao để làng nghề sơn mài không bị mai một; làm sao để đưa công nghệ mới vào sản xuất; làm sao để những người thợ sơn mài lành nghề có thể ổn định cuộc sống và làm giàu được bằng chính nghề của mình khi họ vẫn còn rất tâm huyết? Việc giải bài toán hợp lý về nguồn lực cho làng nghề, về thị trường tiêu thụ sản phẩm sơn mài, về sự kết nối giữa ngành du lịch và sản xuất thủ công, góp phần bảo tồn và phát triển nghề sơn mài truyền thống, chính là vấn đề rất cần được quan tâm.