Danh nhân đất Việt

LÊ ĐẠI HÀNH - ANH HÙNG DÂN TỘC KHÁNG TỐNG, BÌNH CHIÊM

          Vua Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, sinh năm 941. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Hoàn người Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), mồ côi cha mẹ, ông được người họ Lê ở làng Mía (nay thuộc xã Xuân Tân, Thọ Xuân) nhận làm con nuôi, thương yêu và cho đi học.

          Đến tuổi trưởng thành, Lê Hoàn theo giúp Nam Việt vương Đinh Liễn. Tính tình phóng khoáng lại có chí lớn, năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, phong Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi lên nối ngôi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương và trực tiếp dẹp tan những lực lượng chống đối trong nội bộ triều đình.

Tháng 6 năm 980, nhà Tống lựa thời cơ nước Nam đang rối ren, vua còn nhỏ, đem quân chinh phạt. Trước tình hình đó, Lê Hoàn được quan, quân và Dương Thái hậu đồng tình tôn lên ngôi vua thay Đinh Toàn. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, khi ấy 39 tuổi, lên ngôi vua, tức vua Lê Đại Hành, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, mở đầu vương triều Tiền Lê, chuẩn bị lực lượng chống quân Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước.

Cuối năm 980, đầu năm 981, 30.000 quân Tống theo hai đường thủy và bộ ồ ạt tiến vào xâm lược Đại Cồ Việt. Đường bộ đi theo ngả Lạng Sơn, đường thủy thì tiến vào sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành tự làm tướng, sai quân cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, chặn đánh thủy quân Tống một trận tơi bời. Trên đường bộ, tướng giặc chần chừ không dám tiến, Lê Đại Hành dẫn phục binh đổ ra đánh dữ dội, tiêu diệt quá nửa quân Tống. Vua Tống Thái Tông buộc phải ra lệnh rút quân, từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Cồ Việt. Cuộc chiến đấu chống Tống thắng lợi chỉ sau chưa đầy 4 tháng. Chiến công đó mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Sau khi thắng quân Tống, Lê Đại Hành nghĩ ngay đến việc trừng phạt Chiêm Thành, một nước luôn luôn gây chuyện với nước Đại Cồ Việt ở phía Nam. Năm 982, thủy quân nước ta do Lê Hoàn chỉ huy vượt biển tiến vào Nam đánh thẳng vào kinh đô Chiêm. Đây là cuộc nam phạt đầu tiên trong lịch sử dựng nước của nhân dân ta, củng cố thêm một bước nền độc lập của Đại Cồ Việt. Sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn là một sự nghiệp hiển hách trong lịch sử dân tộc. 

Không chỉ tài thao lược, đánh trận, trong thời gian trị vì đất nước, vua Lê Đại Hành còn thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc. Với đường lối lúc mềm mỏng, khi cứng rắn, khiến cho kẻ thù vừa kính lại kinh, e ngại không dám gây hấn. Ông được xem là người đã đặt nền móng ngoại giao cho nước Việt với các quốc gia lân bang.

Vua Lê Đại Hành nổi tiếng là vua coi trọng phát triển nông nghiệp. Ông là vị vua đầu tiên cày tịch điền. Năm 987, vua tổ chức cày tịch điền để làm gương, khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất nông nghiệp. Ngoài cày tịch điền, vua còn cho đào vét kênh mương, sông ngòi để thuận lợi cho việc tưới tiêu. Điều này giúp nền sản xuất nông nghiệp thời Tiền Lê đạt được nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, vua Lê Đại Hành cũng chú trọng các ngành kinh tế khác như tiểu thủ công nghiệp, giao thông, thương mại cùng lĩnh vực quân sự. Vua cho đúc tiền Thiên Phú.

Tháng 3/1005, Lê Đại Hành qua đời, thọ 65 tuổi, làm vua được 24 năm, vương triều Tiền Lê lâm vào thế không ổn định./.