Danh nhân đất Việt

NGÔ QUYỀN- VUA CỦA CÁC VỊ VUA

Ngô Quyền sinh ngày 12-3-898, ở Đường Lâm (Ba Vì  - Hà Tây), cha là Ngô Mân một Hào trưởng có tài đức. Ngô Quyền khi sinh ra có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, từ nhỏ đã tỏ ra là người có chí lớn nên được đặt tên húy là Quyền, hàm ý nghĩa là người có quyền bính, làm chủ một phương. Ông được chủ tướng Dương Diên Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc. Ông cùng bố vợ đánh bại quân Nam Hán lần thứ nhất (930-931), rồi được ủy quyền trông coi vùng đất Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Năm 938, mượn cớ viện binh cho tên phản bội Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán phong cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Giao Vương, mang thủy binh sang đánh nước ta. Ngô Quyền đã sớm nghĩ kế, giữ vững sự ổn định bên trong để diệt giặc bên ngoài. Ông nhanh chóng đem quân hạ thành Đại La, giết tên bán nước Kiều Công Tiễn, lo trừ mối họa bên trong, ổn định tình hình đất nước. Đồng thời, triệu tập các mưu sĩ để bàn kế sách đánh giặc. Với mưu lược tài giỏi và tính toán chu đáo, ông bày sẵn thế trận, quyết chiến chiến lược để tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược. Lợi dụng thủy triều lên xuống, ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt  sắt, cắm xuống lòng  sông  Bạch Đằng. Khi chiến thuyền  của giặc hùng hổ tiến vào sông Bạch Đằng, quân ta nhử cho giặc vượt qua trận địa cọc, đợi cho nước  thủy triều xuống, đánh trước mặt và hai bên bờ sông làm cho thuyền giặc tháo chạy va vào cọc nhọn bịt sắt  bị đắm chìm gần hết. Thái tử Hoằng Tháo chết tại trận, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân Nam Hán. Vua Nam Hán đem quân đi tiếp viện được nửa đường nghe tin con trai chết trận, quân thua tan tác, liền vội rút về nước. Ý chí xâm lược nước ta một lần nữa đã bị đè bẹp.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đã khẳng định sự tồn tại vững chắc của dân tộc ta, kết thúc 1.000 năm bị phương Bắc đô hộ, đem lại nền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước trong gần 5 thế kỷ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV, qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền chăm lo xây dựng đất nước. Mùa xuân năm 939, ông quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phương Bắc, tự xưng Vương, lấy Cổ Loa, kinh đô cũ của Âu Lạc-An Dương Vương làm kinh đô của nước ta. Đây là một việc làm có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc; biểu thị ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa mới giành được, sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh bền bỉ chống xâm lược và sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Ngô Quyền mất năm 45 tuổi, trị vì đất nước được 5 năm.

Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (gần 30 năm), nhưng triều Ngô đã để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ngô Quyền xứng đáng là vị Tổ Trung hưng, đặt nền móng cho nước Đại Việt độc lập, tự cường. Ông được xem là “Vua của các vị Vua”./.