Danh nhân Nguyễn Du- Đại thi hào dân tộc

Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, thọ 55 tuổi. Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Nguyễn Du mồ côi cha mẹ từ năm 13 tuổi. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, từng làm đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê. Năm 1783, khi mười tám tuổi, ông đi thi hương và đậu tam trường. Ông từng giữ chức vụ như: Đông Các đại học sĩ, Cần Chánh Đại học sĩ, Hữu Tam Tri Bộ Lễ... Khi vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (6/9/1820), ông bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế. Vợ ông bà Đoàn Thị Huệ, con gái của tiến sỹ Đoàn Nguyễn Thục.

Di sản văn hóa Nguyễn Du để lại cho hậu thế gồm nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác chữ Hán gồm "Thanh Hiên thi tập" với 78 bài; "Nam trung tạp ngâm" gồm 40 bài thơ; "Bắc hành tạp lục" với 131 bài thơ. Sáng tác chữ Nôm gồm "Truyện Kiều" hay còn gọi "Đoạn trường tân thanh", "Văn Chiêu hồn" nguyên có tên là “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”... Trong số đó, Truyện Kiều được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, tinh hoa văn hóa dân tộc, kiệt tác văn học thế giới. "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga...) với trên 60 bản dịch khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm để đời này đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng.

Bên cạnh tư cách một nhà thơ, Nguyễn Du còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ. Dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để sáng tác bằng Việt văn. Nguyễn Du lần đầu tiên đưa tiếng Việt và ngôn ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân trong tác phẩm của mình, đưa ngôn ngữ văn học của dân tộc lên một đỉnh cao chói lọi. Giáo sư Đào Duy Anh viết: "Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta...".

Với Truyền Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Ghi nhận những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại thành phố Berlin (Đức) Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675 - 1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112 ngày 26/10/1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. /.