“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Mỗi dân tộc hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và mang sắc thái khác nhau, nhưng dân tộc nào cũng có nhu cầu tâm linh là giải thích quá khứ hình thành, tồn tại của mình. Dân tộc Việt Nam có một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt: vừa bước vào thời kỳ dựng nước chưa được bao lâu thì mất nước. Hơn một ngàn năm bị đô hộ, lịch sử văn hiến của người Việt đã hầu như bị xóa mất mọi dấu vết về một thời văn minh của dân tộc. Điều duy nhất mà những thế lực đô hộ không thể xóa được là ký ức của nhân dân về lịch sử của cha ông mình. Dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, biểu trưng của dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên. Những câu chuyện kể về 18 đời vua Hùng nối nhau trị nước hay những truyền thuyết liên quan đến phong tục tập quán là những mảng màu còn giữ được trong ký ức của nhân dân, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác về thời đại Hùng Vương. Huyền thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và thiên anh hùng ca Thánh Gióng là những hình tượng khái quát do nhân dân sáng tạo nên để truyền cho nhau về sự nghiệp của cha ông thời mở nước. Những “pho sử” không thành văn này đã có sức sống mãnh liệt trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đối với mỗi người dân Việt Nam, khi nói đến hai tiếng “Hùng Vương” là nói đến một thời kỳ xa xưa đã được khẳng định về mặt niên đại, về mặt thời gian và gắn liền với sự hình thành của một cộng đồng dân tộc đã đạt tới một trình độ tổ chức xã hội tương đối cao, là Nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang có Kinh đô đóng ở Phong Châu, có một cộng đồng bao gồm lạc dân, lạc tướng, lạc vương. Ông cha ta đã khai thác triệt để yếu tố đó không phải chỉ trên góc độ tính thuyết phục lịch sử về việc giải thích nguồn gốc cộng đồng của mình, quan trọng hơn là để khẳng định bản sắc dân tộc trong mối quan hệ với quốc gia lân bang. Nếu thời đại các Vua Hùng cách đây khoảng 4000 năm tức là kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên thì tương đương với thời đại các hoàng đế Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc.

Dù là truyền thuyết, nhưng những kết quả của khảo cổ học đã khẳng định rằng có một thời đại Hùng Vương thực sự trong lịch sử Việt Nam. Trên 3.000 hiện vật, 700 hiện vật gốc, 176 tài liệu khoa học, 5 video có liên quan, đặc biệt có chiếc trống đồng phát hiện tại xã Hy Cương thuộc loại Hegơ I có kích thước mặt lớn nhất (93cm) và chiếc trống đồng Tân Long cũng thuộc Phú Thọ có đường kính mặt lớn nhất (103 cm) trong các loại trống đồng tìm thấy ở Việt Nam, cho phép chúng ta khẳng định, rất nhiều di chỉ nổi tiếng như những cái mốc trong sự phát triển của 2000 năm lịch sử gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” khi nói đến sự nghiệp của Hai Bà Trưng, người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa chống Bắc thuộc được thể hiện bằng hai câu thơ:

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt Nam, nền văn minh của thời đại Hùng Vương là một cái mốc để con người Việt Nam có thể vượt qua mọi trở ngại để vươn lên khẳng định cội nguồn của mình. Đồng thời, cũng khẳng định trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với tổ tiên, đối với đất nước./.