23 đưa ông táo

28/01/2019
Lượt xem: 769

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ ngàn xưa.

Như mọi gia đình người Việt Nam, năm nào cũng vậy, đến ngày 23 tháng chạp, gia đình bà Đoàn Thị Bom ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An lại chuẩn bị các vật phẩm để cúng đưa Ông táo Về trời.

Do nhà neo đơn, Ông bà nay cũng tuổi cao sức yếu, nên việc chuẩn bị cúng ông Táo cũng tương đối đơn giản. Tuy nhiên trong các vật phẩm dâng cúng không bao giờ thiếu hoa trái và món chè trôi nước. Viên trôi nước tròn trịa dâng cúng thể hiện mong muốn một năm mới mọi việc suôn sẻ, vẹn tròn, gia đình đầm ấm, hạnh phúc...

Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công ông Táo là các vị thần bếp Táo quân trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn. Tuy nhiên, thông thường, lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị 3 bộ quần áo, mũ, giày cho 3 vị thần với một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi để gửi cho các vị thần sử dụng khi về trời.

Theo phong tục, sau ngày 23 đưa ông Táo về trời thì các gia đình người Việt sẽ dựng niêu, chính thức đón Tết.

“Ôn cố Tri Tân”, việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các gia đình người Việt, mà một trong số đó là phong tục đưa ông Táo thể hiện sức sống trường tồn của tinh thần dân tộc, một nét đẹp rất riêng của cái Tết Việt Nam.