Cần có cái nhìn đúng về nghề công tác xã hội

26/03/2019
Lượt xem: 2238

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, gọi tắt là Đề án 32. Từ khi Đề án được ban hành, công tác xã hội được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.Tuy nhiên, sau 9 năm ra đời, bên cạnh những kết quả đạt được, nghề công tác xã hội vẫn chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên mọi khía cạnh.

CẦN CÓ CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI

Trên cơ sở Đề án 32, năm 2011, trường đại học Thủ Dầu Một ra đời Khoa công tác xã hội, sau đó chuyển thành ngành công tác xã hội thuộc Khoa khoa học xã hội và nhân văn. Trung bình mỗi năm, ngành đào tạo 100 sinh viên với thời gian học khoảng 3 năm rưỡi. Ngoại trừ học kì đầu tiên, tất cả các học kì còn lại sinh viên ngành công tác xã hội phải vừa học tại trường vừa tham gia thực hành tại các cơ sở bảo trợ xã hội và len lỏi nghiên cứu, tìm hiểu tại các địa phương trong toàn tỉnh. Yêu cầu sinh viên của ngành khi ra trường phải hội tụ đủ kiến thức, kỹ năng đa dạng ở mọi lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu công việc. Học hành đã khó khăn vất vả, sau khi ra trường, bám trụ được với nghề càng khó khăn vất vả hơn. Bởi thực tế hiện nay, không ít người vẫn chưa thực sự xem công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp, hay đánh đồng nghề công tác xã hội với các hoạt động mang tính tình nguyện, từ thiện.

Nghề công tác xã hội là một nghề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ đến nơi đến chốn những người yếu thế trong xã hội nhằm giảm thiểu những rào cản, sự bất công và sự bất bình đẳng. Đối với Bình Dương, sau 9 năm triển khai Đề án 32 của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng được một mạng lưới hơn 100 cộng tác viên công tác xã hội ở 100% xã phường thị trấn trong toàn tỉnh. Tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, nhiều cán bộ nhân viên được đưa đi đào tạo chuyên ngành công tác xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn,... Tuy nhiên, vẫn cần nhiều việc làm hơn nữa để cộng đồng có cái nhìn nghiêm túc hơn, chính xác hơn về nghề công tác xã hội.

Nghề nào cũng vậy, cũng cần cái tâm, tình yêu đối với công việc. Đối với nghề công tác xã hội, những điều đó càng cần nhiều hơn để chia sẻ, thấu hiểu và tìm ra giải pháp hiệu quả giúp cân bằng xã hội. Chắc chắn, cần có thời gian để nghề công tác xã hội khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình. Tuy nhiên, có thể thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước  đối với nghề này khi dự thảo Luật công tác xã hội đang được Chính phủ xem xét ban hành. Vấn đề còn lại là những người làm nghề cần nỗ lực phát huy năng lực chuyên môn để dần thay đổi cách nhìn của mọi người đối với nghề công tác xã hội.