Bến Cát chuẩn bị chu đáo Đại hội Đảng các cấp
Vào ngày này cách đây 40 năm, Việt Nam và Campuchia có chung một niềm vui lớn. Đó là cùng nhau tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot Iêng Xari, giải phóng thủ đô Phnom Pênh tiến tới giải phóng hoàn toàn Campuchia 10 ngày sau đó. Đồng thời, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đây là thắng lợi quan trọng trong quá trình bảo vệ thành quả dựng nước giữ nước của cha anh, mang lại cuộc sống hoà bình ổn định cho nhân dân và phát huy đạo lý trọng nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.
Những ngày qua, khắp nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam 7.1.1979 – 7.1.2018. Đây là dịp để những người lính từng trực tiếp tham gia trận đánh năm xưa gặp gỡ và ôn lại kỉ niệm chiến đấu. Cuộc chiến nào cũng vậy! Bên cạnh niềm hạnh phúc vỡ oà trong giây phút giành chiến thắng là nước mắt tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Rất nhiều gia đình từ Nam chí Bắc trên dải đất hình chữ S đã phải gánh chịu mất mát, đau thương từ cuộc chiến tranh mà một nước vốn yêu chuộng hoà bình như Việt Nam hoàn toàn không mong muốn xảy ra.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1979 là 1 trong 23 cuộc chiến lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chính nghĩa và tất thắng. Bởi đó vẫn là chiến tranh nhân dân với nghệ thuật quân sự truyền thống theo lối đánh dựa vào thế núi sông bờ cõi để làm chủ chiến trường, tiêu diệt sinh lực địch, giữ gìn từng tấc đất giang sơn Tổ quốc cả đất liền và biển đảo. Ngoài ra, trong cuộc chiến này, chúng ta nhận được sự ủng hộ phối hợp, chung sức, đồng lòng từ lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân ở nước bạn Campuchia.
Như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam vẫn toàn dân đánh giặc như thời Trần, vẫn toàn diện và lấy nòng cốt là lực lượng vũ trang 3 thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích như 30 năm kháng chiến trường kỳ. Quan trọng hơn, đạo lý Việt Nam trong tất cả các cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc vẫn thế: Vì hòa bình, vì con người, nhân đạo và nhân văn, hòa hiếu và thủy chung, sáng rõ bạn - thù, tương thân - tương ái. Chính vì lẽ đó, khúc ca khải hoàn chiến thắng của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam sẽ còn ngân vang mãi về sau.