Lễ khánh thành Di tích quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết

22/03/2019
Lượt xem: 1161

Sáng 22/3, tại ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ khánh thành di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng Miền Nam- Việt Nam; họp mặt truyền thống 2 tỉnh Bình Phước – Bình Dương (Sông Bé trước đây) nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975 -23/3/2019). Tham dự lễ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó thủ tướng thường trực chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành TW; lãnh đạo - nguyên lãnh đạo các Tỉnh, thành trong khu vực. Đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương do ông Trần Thanh Liêm- Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu-  tham dự.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974-1975, được sự chi viện của TW và của miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lị Phước Bình. Và đến này 6/1/1975, tấn công giải phóng tiểu khu tỉnh lỵ Phước Long - lần đầu tiên 1 tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ chính trị Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong thời gian sớm.

Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc- Bình Long, ngày 23/3/1975, trung tâm tỉnh lỵ An Lộc – Bình Long, trung tâm chính trị hành chính- nơi đặt bộ máy  chính quyền đầu não của tỉnh được giải phóng và cũng chính là nơi đặt bộ máy chính quyền của đối phương sụp đổ toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế văn hoá xã hội. Tỉnh Bình Phước được giải phóng.

Trải qua 22 năm tái lập, tỉnh Bình Phước đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. 

Buổi họp mặt ôn lại truyền thống 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước  có ý nghĩa đặc biệt, đúng vào dịp Khánh thành Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng Miền Nam- Việt Nam. Đây là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền - một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược và là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.