Nâng cao hiệu quả trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng

16/07/2018
Lượt xem: 555

Công tác phòng chống cháy rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, để phòng ngừa hiệu quả, cùng với vai trò quản lý của các cấp ngành, địa phương, đơn vị liên quan, đòi hỏi người dân phải luôn ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng. Bởi trong điều kiện khó khăn khách quan về địa hình ở một số điểm rừng, khi có cháy rừng xảy ra, vấn đề ứng cứu kịp thời, hiệu quả là rất thấp.

Là một trong những điểm rừng chiến lược của tỉnh, rừng phòng hộ Núi Cậu ở huyện Dầu Tiếng có diện tích hơn 3.600 ha đóng vai trò cực kỳ quan trọng, được xem là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho cả khu vực. Do đó, việc bảo vệ rừng luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Mặc dù vậy, thời gian qua, nơi đây vẫn có những vụ cháy rừng đáng tiếc xảy ra, thiêu rụi nhiều hecta rừng phòng hộ. Gần đây nhất, ngày 28/4/2018, một vụ cháy rừng ở khu vực Núi Cậu đã gây thiệt hại gần 10 hecta rừng. Nguyên nhân được xác định là do người dân vào rừng dùng lửa bất cẩn gây cháy.

Thực tế cho thấy, phòng ngừa cháy rừng luôn là vấn đề tiên quyết, bởi do điều kiện địa hình hiểm trở, khi cháy rừng xảy ra, hy vọng giảm thiểu thiệt hại từ công tác ứng cứu là không mấy khả thi. Để làm tốt công tác phòng ngừa, cùng với công tác canh phòng, quản lý từ phía các chủ rừng và lực lượng chức năng, thì công tác phối hợp tuyên truyền cần phải được chú trọng hơn nữa. Công tác này nhằm giúp mọi người dân ý thức được trách nhiệm của mình, cùng tham gia bảo vệ rừng, tránh những trường hợp gây hỏa hoạn cháy rừng do hành vi bất cẩn từ phía con người (là nguyên nhân chủ yếu trong các vụ cháy rừng). Điều này là yếu tố theo chốt trong phòng chống cháy, bảo vệ rừng.

Bảo vệ, phòng chống cháy rừng luôn là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì cháy rừng xảy ra luôn gây thiệt hại lớn, rất khó phục hồi. Do đó, vấn đề tiên quyết vẫn là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa mọi lúc – mọi nơi. Có như vậy, mới giảm thiểu được nguy cơ xảy ra cháy rừng ở địa phương.