Giá điện sinh hoạt mới lên tới 3.700 đồng/kWh
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội nông dân tỉnh Bình Dương nhân rộng đã động viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Từ đó, đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần vào việc tăng giá trị của ngành nông nghiệp địa phương.
NHIỀU MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP HÌNH THÀNH
TỪ PHONG TRÀO NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI
Thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất ven sông Sài Gòn, anh Võ Văn Bình ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng đã mạnh dạn cải tạo diện tích trồng lúa không hiệu quả để lên mương trồng dừa. Trên diện tích 7.000m2, anh phân bố khai mương và trồng theo khoảng cách hợp lý để cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt và cho trái sai. Dừa trồng 3 năm bắt đầu cho trái và anh Bình đã có thu hoạch gần 2 năm nay. Trung bình một buồng dừa cho từ 15-20 trái, những buồng sai trái có khi lên đến 30 trái. Vườn dừa cho thu hoạch mỗi ngày. Bình quân mỗi tháng, đem lại nguồn thu từ 15-17 triệu đồng. Trồng dừa dễ lại ít tốn công chăm sóc, chủ yếu là bón phân và chăm sóc trái, rửa buồng để tránh đuông, kiến làm rụng trái non, nhưng đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Nhiều mô hình sản xuất ngày càng phát triển đa dạng với nhiều gương nông dân cần cù, nghiên cứu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Phước ở xã Tam Lậphuyện Phú Giáo đầu tư mô hình trồng quít đường trên diện tích 1 hecta. Chọn khu vực ven dòng sông Bé để trồng cây có múi là hướng đầu tư phù hợp. Ông bỏ vốn 350 triệu đồng để đấu nối hệ thống tưới tự động cho cả vườn. Vườn quít xa trung tâm nên để đấu nối điện quốc gia sẽ tốn nhiều chi phí. Do đó, ông đầu tư thêm 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng mặt trời tạo ra nguồn điện, ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhưng vẫn đảm bảo nguồn điện vận hành cho hệ thống tưới phun.
Để nâng cao chất lượng phong trào, Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động và hỗ trợ nông dân kịp thời trong sản xuất, khuyến khích nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả.
5 năm qua, phong trào nông dân sản xuất giỏi luôn có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, đổi mới và hiệu quả hơn. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh có trên 35.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình nông nghiệp được hình thành, quy mô sản xuất được mở rộng, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Phong trào không chỉ làm thay đổi đời sống nông dân mà còn khai thác tốt tiềm năng đất đai và vốn, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt hiệu quả cao.