Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam Bình Dương

18/03/2019
Lượt xem: 600

Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020” được triển khai thực hiện đã thúc đẩy nông nghiệp đô thị của tỉnh phát triển với tốc độ cao, hình thành nhiều loại hình nông nghiệp đô thị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng một cách bền vững.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã hình thành 45 loại hình nông nghiệp đô thị, phân thành 10 nhóm, trong đó có 4 nhóm loại hình chăn nuôi, 6 nhóm trồng trọt. Đối với loại hình chăn nuôi, nuôi cá cảnh được duy trì và phát triển mạnh. Nhiều mô hình nuôi cá la hán, cá rồng, cá chép, cá koi, và gần đây là mô hình nuôi cá dĩa được đầu tư nhiều đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ nuôi. Bên cạnh nhóm nuôi thủy sản đã hình thành nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh còn hình thành các mô hình chăn nuôi mới như nuôi chim bồ câu, dế, chim yến, cá sấu, rắn, trăn và các loại hình nuôi động vật hoang dã khác. Hiện toàn tỉnh có trên 400 hộ đầu tư chăn nuôi với trên 72.000 con các loại.

Trong 6 nhóm loại hình trồng trọt chủ yếu là nhóm trồng rau thực phẩm, trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, nhóm trồng cây hàng năm. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh hiện đạt 122 heta với các loại cây trồng như: rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Mô hình nông nghiệp đô thị tập trung chủ yếu ở TP.TDM, TX.Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị đã đem lại hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích đất, đồng thời khai thác tốt nguồn lao động và đất đai khu vực đô thị. Qua đó cũng cho thấy sự đa dạng của các loại hình nông nghịêp đô thị và sự nhạy bén của người nông dân trong chuyển dịch cơ cấu nông nghịêp theo hướng hiện đại, gắn liền với phát triển đô thị của tỉnh.

Đề án “phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020” tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị. Mục tiêu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị vùng phía Nam của tỉnh đạt hơn 3.780 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Bình Dương tiếp tục tăng cường hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi và chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất để nông dân có thêm động lực đầu tư, đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp đô thị của tỉnh.