Phát triển vườn bưởi đặc sản từ quyết định số 64 của UBND tỉnh

25/06/2018
Lượt xem: 896

Quyết định số 63 của UBND tỉnh về “Hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2017-2021” được triển khai thực hiện đang tác động tích cực cho quá trình phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh Bình Dương. Ở xã cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, nông dân trồng bưởi đặc sản có thêm nhiều điều kiện để đầu tư sản xuất.

Xã Bạch Đằng có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích gần 400 hécta. Giống bưởi được nông dân trồng chủ yếu là 2 loại bưởi đặc sản của địa phương như đường da láng, đường lá cam. Xác định bưởi là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển cây bưởi đặc sản. Toàn xã có 292 hộ đăng ký tham gia theo Quyết định số 63. Trong đó, có 98 hộ được hỗ trợ trồng mới, 68 hộ hỗ trợ chăm sóc và 126 hộ được hỗ trợ thâm canh. Những hộ đăng ký tham gia chương trình được hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời được hỗ trợ tiền công chăm sóc đối với vườn trồng mới, vườn cải tạo lại và một số chính sách hỗ trợ khác. Nhờ đó, nông dân phấn khởi đầu tư thỏa đáng cho sản xuất.

Để diện tích bưởi đặc sản phát triển tốt, cho chất lượng trái ngon, cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 63 của tỉnh; công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng được địa phương chú trọng. Qua thực hiện chính sách hỗ trợ, cùng với việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất vườn bưởi tăng từ 15%-30% so với trước đây.

Từ chính sách hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, cùng với quyết tâm của nông dân trong sản xuất, là những yếu tố hợp thành để cây bưởi đặc sản ở cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên tiếp tục phát triển, đưa nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” ngày càng vươn xa.