Thành phố thông minh : Hướng phát triển cho các thành phố Châu Á

27/11/2018
Lượt xem: 783

Trong phiên đối thoại Thành phố Thông minh - Hướng đến sự phát triển bền vững cho các Thành phố Châu Á, diễn ra chiều nay cùng lúc với  phiên đối thoại về Mô hình kinh doanh mới và Các phong cách ra quyết định, đã thu hút các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đại biểu tập trung đánh giá về một làn sóng di dân đến các thành phố  lớn trong thập kỷ vừa qua, đã khiến đô thị hoá ở châu Á  phát triển nhanh chóng, làm biến đổi lớn về xã hội, kinh tế và môi trường.

Theo các đại biểu, hệ lụy của phát triển đô thị quá nhanh đã phát sinh tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và các gánh nặng về y tế giáo dục ... làm cho chất lượng cuộc sống của người dân không cao và phát triển thiếu bền vững. Việc xây dựng thành phố thông minh trở thành yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình phát triển đô thị ở Châu Á và nâng cao chất lượng về tăng trưởng kinh tế, nhằm sử dụng có hiệu quả công nghệ, khoa học kỹ thuật vào giải quyết tốt các vấn đề phát triển của các đô thị và các quốc gia.

Tại phiên đối thoại về Mô hình kinh doanh mới, các đại biểu đã nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Châu Á. Bên cạnh các nền kinh tế lớn của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc..,đang có nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng mô hình kinh doanh mới đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhằm giúp cho doanh nghiệp có những lựa chọn hình thức, giải pháp kinh doanh tốt hơn để gắn giữa sản xuất với kinh doanh và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền trong việc đề ra các chính sánh để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh mới, mô hình sáng tạo khởi nghiệp. Doanh nghiệp phải luôn tìm tòi, sáng tạo trong xây dựng mô hình kinh doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ.

Phiên đối thoại Các phong cách ra quyết định đã đánh giá quá trình toàn cầu hoá thu hút các nhà quản lý từ nhiều quốc gia khác nhau mang các phong cách quản lý khác nhau có thể gây ra mâu thuẫn và sai lầm. Làm thế nào để dễ dàng hiểu được cách tư duy cơ bản của người khác về thành tựu, mối quan hệ và quyền lực? Giải pháp nào nhằm nâng cao các thành tựu vốn có của Châu Á?