Thường trực UBND tỉnh họp nghe kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri

19/11/2018
Lượt xem: 652

Sáng 19/11, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp nghe kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh- Phó chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành có liên quan.

Trước trong và sau kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển tổng số 170 nội dung kiến nghị phản ánh của cử tri. Sau khi tiếp nhận, UBND tỉnh đã sắp xếp lại thành 181 nội dung kiến nghị cụ thể phân công các cơ quan chức năng trả lời. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã ghi nhận xem xét gỉai quyết trả lời đạt 100%. Trong đó, có 136 nội dung kiến nghị đã giải quyết xong, đạt 82%, còn lại 45 nội dung kiến nghị tiếp tục được xem xét giải quyết.

Thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh nhận xét, hầu hết các nội dung trả lời rõ ràng, bám sát nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả đúng với thực tế và thời gian giải quyết được xác định cụ thể. UBND tỉnh cũng đã tiếp tục chỉ đạo giải quyết các nội dung kiến nghị còn tồn tại của các kỳ họp trước.

Tại cuộc họp, thường trực HĐND đánh giá tích cực những kết quả đạt được trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên cũng lưu ý tiến độ giải quyết nhiều nội dung kiến nghị còn chậm, kéo dài, số lượng kiến nghị của cử tri chưa được gỉai quyết xong tiếp tục tăng lên, lũy kế đến kỳ họp 7 số nội dung tồn đọng tăng lên100 nội dung; trong đó có 76 nội dung thuộc lĩnh vực GTVT, 14 nội dung thuộc lĩnh vực NN-PTNT. Chất lượng giải quyết 1 số kiến nghị của cử tri chưa thỏa mãn được yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.

Trong các giải pháp được UBND tỉnh đề ra, Thường trực HĐND đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát, cập nhật các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, xem xét gỉai quyết dứt điểm không để kéo dài. Đối với các lĩnh vực có số nội dung kiến nghị của cử tri nhiều, chiếm tỷ lệ cao- còn nhiều tồn đọng, giải quyết chậm, đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý của ngành chuyên môn và có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.