Tiềm năng thị trường cá cảnh Bình Dương

21/09/2018
Lượt xem: 1450

Bình Dương đang khuyến khích các hộ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị. Rất nhiều mô hình hay, sáng tạo của nông dân trong tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Một trong những mô hình đó chính là nuôi cá cảnh cho thu nhập cao.

Đến nay, anh Lê Văn Huệ, ngụ ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi con cá cảnh. Nhiều năm đam mê, anh Huệ đã “chinh phục” rất nhiều loài cá cảnh khó tính để cung cấp cho thị trường. Hết sinh sản con cá dĩa trong hồ đất lót bạt nilông, anh lại nhân giống thành công các loại cá thần tiên xanh, phượng hoàng lùn, chuột beo, cá ông tiên Ai Cập – loại cá hoang dã quy mô nhỏ. Chỉ với hơn 1.000 m2 diện tích nuôi, nghề nuôi cá cảnh… đã mang lại thu nhập bình quân cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo ngành nông nghiệp, nuôi cá cảnh không cần quá nhiều diện tích, kỹ thuật chăm sóc, nhân giống, … không quá phức tạp. Trong khi đó, thị trường đầu ra của cá cảnh khá ổn định, có thể tiêu thụ tại chỗ hoặc bán cho khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… vì nhu cầu chơi cá cảnh của người dân đang ngày một tăng.

Theo đánh giá, thị trường cá cảnh đang có nhiều tiềm năng, giúp các hộ nông dân trong tỉnh có thêm lựa chọn để chuyển đổi vật nuôi phù hợp. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu có chiến lược phù hợp, cá cảnh có thể xuất khẩu sang các nước. Trước hiệu quả mô hình, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị phía Nam giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh, phấn đấu đạt sản lượng đến 3 triệu con/năm.

Nuôi cá cảnh có thể trở thành một nghề mũi nhọn của nông nghiệp đô thị, mở ra hướng làm giàu mới, chính đáng cho người nông dân tỉnh Bình Dương. Điều này cũng đã chứng minh, nghề nông cũng có thể làm giàu. Trong hoàn cảnh nào, đất cũng không phụ những người dám nghĩ, dám làm ăn chân chính bằng sức lao động của chính mình.