Những kết quả nổi bật của tỉnh Bình Dương trong thực hiện Đề án 06
Sáng 29/3, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 221 ngày 27/4/2009 của Ban bí thư Trung ương Đảng khóa X về Ban hành quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Lê Hữu Phước – Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Đặng Minh Hưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Báo cáo đánh giá trong 10 năm thực hiện Quyết định 221, công tác phối hợp tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân giữa UBND tỉnh và Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, khẳng định sự phối hợp giữa 2 cơ quan là cần thiết, phát huy vai trò, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành đoàn thể trong tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh và nổi cộm, góp phần tạo ra sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Thông qua công tác phối hợp đã phát hiện, kịp thời biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, nâng cao đạo đức công vụ, cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban tuyên giáo Tỉnh ủy thời gian qua; cũng như chỉ ra một số mặt còn hạn chế. Về định hướng trong thời gian tới, Phó bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cần rà soát, bổ sung quy chế phối hợp đi vào chiều sâu. Trong đó chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, kịp thời đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền; các sở, ban ngành, địa phương cần giải quyết nhanh những bức xúc của người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác thông tin, đấu tranh chống lại âm mưu hoạt động diễn biến của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.