Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam

17/06/2019
Lượt xem: 743

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vừa có bài viết về 'Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”.

Trong bài viết, ông nhấn mạnh:

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển. Cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này.

Cần phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả.

Ông Võ Văn Thưởng đã đưa ra 5 giải pháp nhận diện và quản lý truyền thông xã hội. Cụ thể:

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm: "không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ"(13)

Khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng. 

Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…

Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. 

Thúc đẩy các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội. Khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ. 

Truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó, sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. 

Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định. Tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó, truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.